Cải lương "Tiếng vọng trời nam"

Đơn vị sản xuất : Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long

Người thực hiện : Đài PT&TH Vĩnh Long

Thời lượng : 91.27 phút

Phan Thanh Giản là người con của vùng đất có truyền thống hiếu học Vĩnh Long đã trở vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kì. Ông là một danh sĩ, đại thần từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới ba triều vua nhà Nguyễn. Cuộc đời và sự nghiệp của ông không bằng phẳng, luôn gặp nhiều thăng trầm, biến cố. Biến cố quan trọng, mang tính lịch sử và trở thành bi kịch cuộc đời và sự nghiệp của ông chính là hành vi đồng ý giao ba tỉnh Tây Nam bộ cho người Pháp. Câu chuyện xảy ra trước thành Vĩnh Long vào ngày 17 tháng 6 năm 1876 (năm Tự Đức thứ 19), trong thời điểm tình hình chính trị trong nước rối ren, nhiều cuộc đấu tranh chống Pháp nổi lên mạnh mẽ ở Nam kì. Sau khi được nhượng ba tỉnh miền Đông, lợi dụng tình hình chính trị và lấy cớ các nghĩa quân ta nổi dậy chống lại họ, người Pháp lại thực hiện mưu đồ chiếm thêm ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Để thực hiện mưu đồ, vị đô đốc Pháp Lagrandiere đã cho đoàn tàu thuyền kéo đến thành Vĩnh Long yêu cầu Phan Thanh Giản và các quan chức địa phương giao thành Vĩnh Long để được đảm bảo không có sự báo thù xảy ra và mọi trật tự sẽ được giữ nguyên. Trước yêu cầu của tên đô đốc, Phan Thanh Giản điềm tĩnh, nhẫn nhịn, cố ghìm cơn phẫn nộ: “Tôi muốn đến đây để nghe ngài nói những điều hay lẽ phải nhằm thực hiện tốt hòa ước mà Hoàng đế hai nước đã bút phê chứ không phải để nhận lệnh giao thành”. Đáp trả lại câu nói của Phan Thanh Giản, tên đô đốc lộ rõ bộ mặt cáo già, ông khẳng định “đây là lệnh” và ngang nhiên cho quan binh tiến vào thành. Vậy là Thành Vĩnh Long đã mất. Trong sự “bảo vệ” nghiêm ngặt của bọn chúng, lúc này Phan Thanh Giản hiểu rằng, ông đã là tù binh của Lagrandiere, dù có vùng vẫy thế nào thì cũng không thoát khỏi nanh vuốt của tên sói này. Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, không thể nào kháng cự, lòng Phan Thanh Giản đau đớn, tâm can dằn xé. Ông nghĩ: Trước con dân, ông đã không làm được điều mà ông phấn đấu suốt đời: no ấm và công bằng. Với non sông gấm vóc tiên đế để lại cho dân, ông không giữ nổi! Tội lỗi này ngàn đời không rửa sạch! Và rồi Phan Thanh Giản cẩn trọng viết bức thư gửi cho Tổng đốc An Giang và Hà Tiên. Đồng thời trải nỗi lòng với dân với nước: “Bản chức buộc theo ý Trời mà đứt ruột giao ba tỉnh miền Đông cho họ ngõ hầu mưu sự yên hòa cho dân chúng. Nay người Pháp lấy cớ nghĩa quân ta nổi lên chống họ để buộc ta giao ba tỉnh miền Tây cho họ. Ta đã nói với họ rằng ta chỉ có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất. Nhưng nếu ta làm theo ý Trời mà tránh đỡ giùm dân khi họ đem tai họa gieo lên đầu dân mình như vậy ta trở thành phản thần đối với Hoàng đế của ta vì ta giao ba tỉnh miền Tây cho họ mà không chống cự. Bản chức đáng tội chết... Lá cờ ba sắc không thể phất phới bay trên thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống!”. Thế rồi Phan Thanh Giản quyết định chọn cho mình hình phạt cao nhất là chết từ từ và từ từ tự vấn mình. Ông lấy cái chết để đổi lại máu của dân không đổ thêm một giọt nào nữa. Hơn ai hết, ông hiểu rằng những gì ông đang làm ở thời khắc này của dân tộc đúng hay sai, công hay tội thì người đương thời và hậu thế sẽ định liệu. Sau 15 ngày nhịn ăn để tuẫn tiết nhưng không chết, Phan Thanh Giản đã kết thúc đời mình bằng chén thuốc độc. Dân chúng không trách mắng ông, mà trái lại họ hiểu những việc làm của ông, sự việc xảy ra chỉ là tình thế bị ép buộc và vị quan của họ không còn lựa chọn nào khác. Vì quê hương đất nước, vì dân tộc và vì vị đại quan Phan Thanh Giản danh giá, những người dân tuyên thệ quyết đứng lên đấu tranh giành lại đất cho tổ quốc mình...

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

đơn vị đồng hành

HOTLINE: 02253.611.799 - 02253.611.588